Cánh tay dân văn phòng đang bị đe dọa bởi hội chứng sức khỏe ống cổ tay
Hội chứng sức khỏe ống cổ tay tuy không quá nguy hiểm nhưng lại là một vấn đề khá khó chịu có thể gây ra những biến chứng tiêu cực không mong muốn. Vậy hội chứng ống cổ tay là gì? Nguyên nhân gây bệnh là do đâu? Làm thế nào để chữa trị triệt để và không bị tái phát?
Hội chứng ống cổ tay là một tình trạng thường gặp gây ảnh hưởng đến dây thần kinh ở cổ tay và bàn tay. Dây thần kinh kiểm soát cảm giác và cử động ở vùng cổ tay và bàn tay được gọi là thần kinh giữa. Dây thần kinh này chạy dọc theo một phần ở cổ tay gọi là ống cổ tay. Khi dây thần kinh giữa bị chèn ép giữa xương và dây chằng ở ống tay thì bạn có thể có cảm giác châm chích, tê ở cổ và bàn tay hay bị đau nhói từ vùng cổ tay lan lên cánh tay. Để giúp bạn kiểm soát được tình trạng đau cổ tay, bài viết sau đây sẽ cho bạn cái nhìn sâu hơn về hội chứng ống cổ tay.
Những triệu chứng của hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay sẽ ảnh hưởng đến cổ tay, bàn tay và các ngón tay. Một vài người thậm chí còn cảm thấy khó chịu ở phần trên của cánh tay và vai. Bạn có thể khắc phục tạm thời bằng cách lắc bàn tay và cổ tay. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể trở nặng về đêm và làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau nhức, tê và khó cầm nắm.
Nguyên nhân nào gây ra hội chứng ống cổ tay?
Việc hoạt động liên tục ở cổ tay như đánh máy hay viết tay có thể khiến cổ tay bị sưng ở một vài chỗ. Khi cổ tay bị sưng, ống cổ tay sẽ thu nhỏ lại và siết chặt dây thần kinh giữa, gây đau nhức và các triệu chứng khác.
Với giới nhân viên văn phòng thì những cơn đau ở cổ tay là một lẽ đương nhiên. Việc sử dụng bàn phím và chuột quá nhiều có thể gây đau nhức và tê buốt ở cổ tay và bàn tay. Ngoài việc dùng máy tính liên tục, hội chứng ống cổ tay cũng có thể xảy ra khi:
- Cử động tay liên tục;
- Tư thế đặt tay không bình thường;
- Cầm nắm quá chặt;
- Căng cơ lòng bàn tay;
- Rung lắc tay nhiều.
Dựa trên những triệu chứng này, có thể thấy những nghề nghiệp có khả năng gây ra hội chứng ống cổ tay cao nhất là thu ngân, thư ký đánh máy… Thợ làm bánh hay những người thường xuyên phải gồng ngón tay và cổ tay như khi vắt sữa bò, dùng súng phun sơn hay khi nhổ cỏ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Phụ nữ có thai thường mắc phải hội chứng ống cổ tay do những thay đổi trong hormone khiến các chất dịch được giữ lại nhiều hơn và khiến cổ tay bị sưng. Nhiều căn bệnh như rối loạn cơ xương khớp, suy giáp hay tiểu đường cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải hội chứng ống cổ tay.
Điều gì làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay?
Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay cao hơn nam giới. Môi trường làm việc, chẳng hạn như đánh máy liên tục hoặc phải làm việc với các dụng cụ rung cơ học cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải hội chứng ống cổ tay.
Những tác nhân gây tổn thương dây thần kinh (ví dụ như bệnh tiểu đường) có thể làm gia tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh giữa. Ngoài ra các tác nhân gây viêm (ví dụ như thấp khớp) khiến dây chằng ở cổ tay bị sưng tấy và các tình trạng như mãn kinh, béo phì, rối loạn tuyến giáp và suy thận cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng ống cổ tay.
Những biện pháp chữa trị hội chứng ống cổ tay?
Một khi xác định được những nguyên nhân gây ra tình trạng này thì bạn nên ngừng thực hiện những việc ấy lại. Nếu nguyên nhân là do công việc và bạn không thể nghỉ việc được, bạn có thể thỏa thuận với sếp để có những thay đổi cần thiết. Bạn có thể thay đổi thói quen và chủ động trong quá trình chữa trị. Chẳng hạn, bạn có thể dùng tấm kê cổ tay để cố định tay khi đánh máy. Hoặc bạn có thể đi khám bác sĩ vật lý trị liệu để nhận được tư vấn.
Việc tiếp theo bạn có thể làm là hạn chế tác động lên dây thần kinh giữa. Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn sử dụng thuốc, nẹp cổ tay hay phẫu thuật. Các loại thuốc uống và thuốc tiêm có thể được dùng để giảm đau trong thời gian ngắn. Bạn có thể dùng nẹp tay cả ban ngày lẫn ban đêm.
Khi các biện pháp khác không có tác dụng, bạn cần phải phẫu thuật. Phẫu thuật có khả năng cải thiện tình trạng bệnh cao hơn và có thể ngăn bệnh tái phát. Sau khi phẫu thuật, bạn nên để cổ tay nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần để có thể lành hẳn và tránh các biến chứng.
Cách kiểm soát hội chứng ống cổ tay không cần uống thuốc hay phẫu thuật
Những thay đổi trong lối sống và các biện pháp chữa trị tại nhà dưới đây có thể giúp bạn ứng phó với hội chứng ống cổ tay:
- Thay đổi các thói quen gây ra hội chứng ống cổ tay;
- Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ;
- Đừng trì hoãn việc điều trị. Nếu hiện tượng teo cơ xảy ra thì cơ hội hồi phục hoàn toàn sẽ thấp hơn;
- Tháo nẹp để vận động cổ tay và bàn tay nếu bạn đã đeo suốt cả ngày. Tuyệt đối không được để tay bất động hoàn toàn.
Nhìn chung, bạn cần sắp xếp nơi làm việc phù hợp để ngăn chặn nguy cơ mắc phải hội chứng này. Dưới đây là một vài mẹo để giúp bạn tránh bị đau nhức ở cổ tay:
- Hạn chế đặt cổ tay ở những tư thế không phù hợp
Hãy sử dụng đệm lót hoặc đai đỡ cổ tay. Tốt nhất nên để cổ tay ở mức vừa, không quá cao cũng không quá thấp; - Giảm thiểu tối đa những việc cần căng cơ
Hãy chọn lựa những vật dụng nào giúp hạn chế việc cầm nắm nhiều. Ví dụ như bạn có thể chọn loại dao, kìm cắt móng hay chuột máy tính có thiết kế dễ cầm nắm; - Hạn chế cử động tối đa
Đảm bảo rằng tất cả các dụng cụ đều trong tầm tay của bạn. Hạn chế cử động cổ tay và bàn tay cùng lúc nhiều lần. Nếu được, hãy ngưng làm việc vài phút trong mỗi giờ để cổ tay được thư giãn.
Hội chứng ống cổ tay không phải là bệnh hiếm gặp. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu và về lâu dài sẽ dẫn đến các biến chứng không mong muốn như mất khả năng cầm nắm hay tê liệt tay. Những ai đang mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh cần duy trì một chế độ luyện tập và ăn uống phù hợp để có thể kịp thời chữa trị, phục hồi tình trạng ban đầu của cổ tay. Nếu bạn có các cơn đau nghiêm trọng hay có bất cứ thắc mắc nào về bệnh hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn chữa trị.
— HelloBacsi —